Khép lại hành trình tuyệt vời của Lúa với Học bổng Erasmus+ Mobility

Ngày: 29/08/2024

Gần đây có một số bạn sinh viên TNUS nhắn hỏi mình về chương trình học bổng Erasmus+ Mobility của Ủy ban châu Âu. Nhân dịp này, cộng thêm việc tay của mình đang hồi phục khá tốt, mình quyết định viết một bài rất dài kể về câu chuyện của mình với học bổng Erasmus+ Mobility. Hy vọng câu chuyện của mình sẽ mang lại năng lượng tích cực cũng như truyền động lực để các bạn sinh viên TNUS theo đuổi ước mơ du học và chinh phục học bổng quý giá này.

Câu chuyện của Lúa phải bắt đầu từ tháng 01/2021 khi Lúa còn là sinh viên năm Nhất. Mình rất may mắn khi có dịp tham gia khóa tập huấn kéo dài 02 ngày về Giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực hẹn hò. Khóa tập huấn là hoạt động nằm trong dự án của tổ chức CEPEW và được đồng điều phối bởi các giảng viên TNUS tại trường. Đây là khóa học có ý nghĩa đặc biệt đối với mình vì nhiều lý do, có thể nói là khóa học đổi đời cũng không sai vì mình nhận lại được nhiều giá trị và cơ hội sau khóa học, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chỉ đề cập về lần gặp mặt đầu tiên giữa cô Phương Mai và mình. Mình còn nhớ như in cô hỏi mình có ý định du học không, lúc đó mình cũng chia sẻ chân thành với cô suy nghĩ của mình. Cô đã giới thiệu về chương trình học bổng Erasmus+ Mobility nằm trong dự án hợp tác giữa TNUS và University of Valladolid (UVA) tại Tây Ban Nha (TBN). Lúc đó ý niệm của mình về du học Tây Ban Nha là một dải sương mù vì mình hoàn toàn không có chút thông tin gì về chủ đề này. Mình đã ghi nhớ lời khuyên hữu ích từ cô, đó là cứ chuẩn bị thật tốt, đặc biệt là tiếng Anh.

Sau lần gặp cô Phương Mai, mình đã lên mạng tìm kiếm thông tin và đọc bài báo viết về trải nghiệm của cựu sinh viên TNUS khi tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Valladolid. Mình vẫn nhớ hoài cảm giác choáng ngợp về bề dày lịch sử của trường UVA và ngưỡng mộ chị Kiều Phương Thảo (ngành Hoá) về trải nghiệm quốc tế của chị tại Tây Ban Nha. Càng đọc mình càng được thôi thúc phải chinh phục học bổng này ngay khi có cơ hội.

Mình đã đặt mục tiêu cao hơn về điểm học tập sau khi biết rằng học bổng Erasmus là học bổng đánh giá cao ứng viên có điểm GPA cao, nghĩa là có thành tích học thuật tốt. Mình đã rất nghiêm túc về việc học tập. Tuy nhiên, điều này không làm mình bị áp lực nhiều vì mình thực sự yêu thích ngành học Công tác xã hội (CTXH) và mình tham gia chủ động, tích cực trong những buổi học của các giảng viên bộ môn. Mình đã phải tự động viên và nhắc nhở bản thân về mục tiêu lớn này khá nhiều để có thể tiếp tục vượt qua khó khăn và đương đầu với kỳ thi phía trước.

Tại thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19 và phải cách ly xã hội năm 2021, mình đã tranh thủ tham gia các khóa học online liên quan đến mối quan tâm của bản thân và chuyên ngành CTXH. Ngoài ra, mình cũng bắt đầu thử nghiệm nhiều cách học tiếng Anh khác nhau. Bên cạnh việc học, mình cũng chính thức tham gia Dự án giáo dục Hoa Thủy Tiên với tư cách là thành viên của dự án nhánh DEVI.

Mặc dù mình đã bắt tay vào hành động để chuẩn bị cho hồ sơ học bổng, mình đã mắc một sai lầm, đó là chưa có chứng chỉ ngoại ngữ. Tháng 04/2022, chương trình học bổng mở đơn, nhưng tiếc là mình đã lỡ hẹn với UVA. Mình nhận ra rằng mình đã quá chú tâm vào thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa mà lơ là với chứng chỉ ngoại ngữ. Vậy là mình đã ôn thi IELTS và đặt deadline phải có chứng chỉ trước tháng 04/2023. Năm 2022 là năm bận rộn khi mình vừa tham gia hai dự án xã hội, vừa luyện tiếng Anh với Cardine sau đó là Sebastian, vừa tham gia hoạt động của CLB CTXH và hoạt động nghiên cứu khoa học. Điểm số học tập của mình cũng bị giảm chút nhưng không đáng kể. Mùa Hè năm 2022 là mùa hè đáng nhớ vì mình đã đi tìm nhiều trung tâm, lớp học luyện thi IELTS nhưng kết quả không như mong đợi vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Song mình rất may mắn khi nhận được sự quan tâm từ cô Giang IELTS. Nhờ có sự hướng dẫn nhiệt tình và khuyến khích từ cô Giang, hai em Quang Bách & Phương Anh, mình đã nâng cao năng lực tiếng Anh và đạt điểm số IELTS đúng như kỳ vọng của bản thân. Có thời điểm phía BC hơi gây khó về giấy tờ chứng minh khuyết tật khiến mình mệt mỏi, cả cô và trò đã kiên nhẫn chờ đợi trong quá trình đăng ký làm thủ tục thi trong hơn 2 tháng. Mình là thí sinh đặc biệt khi một mình một phòng thi, có hai giám thị coi và thi từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều với tổng 5 tiếng thi không nghỉ. Sau cùng, thành quả là Lúa đã có chứng chỉ IELTS vào ngày 01/4/2023, mình đã hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng trong bộ hồ sơ.

Tháng 04/2023, không có thông báo về học bổng, mình đã hơi hụt hẫng xen lẫn thất vọng và nghĩ về viễn cảnh tuột mất cơ hội học bổng khi tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, Lúa vốn là người lạc quan và tin tưởng vào bản thân nên mình sớm quên đi và tiếp tục tham gia hoạt động xã hội và các khóa học bổ ích để phát triển bản thân. Tháng 8/2023, Lúa đã tham gia Trường Hè Khoa học Việt Nam VSSS mùa 10 tại Quy Nhơn. Trong khóa học, mình đã tiếp xúc, gặp gỡ và được truyền cảm hứng từ rất nhiều anh, chị, bạn bè giỏi giang. Mọi người đang trên con đường chinh phục học bổng và những chia sẻ từ giảng viên, cựu sinh viên VSSS giúp mình có thêm góc nhìn mới về học bổng cũng như nghiên cứu khoa học.

Tháng 10/2023, thông báo mở đơn cho học bổng Erasmus+ Mobility đã đến. Mình hào hứng bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ học bổng. Trong học kỳ quốc tế mà UVA cung cấp không có khóa học về CTXH bằng tiếng Anh, khóa học gần nhất với chuyên ngành của Lúa là Luật châu Âu quốc tế và so sánh. Với khóa học trái ngành như vậy, mình đã hình dung nội dung khóa học sẽ khá khó khăn đối với mình, nhưng đó cũng là cơ hội để mình bước ra khỏi vùng an toàn. Mình đã ngẫm lại trong suốt 2,5 năm tham gia các khóa học xã hội và kinh nghiệm tham gia hoạt động xã hội của mình, và rồi mình tin là mình làm được. Trước đó, mình đã làm CV, xin feedback từ nhiều anh chị rồi điều chỉnh lại nên mình không mất nhiều thời gian để hoàn thiện CV. Đối với thư động lực (Motivation letter), mình rất vui vì khi mình viết thư kể về câu chuyện của bản thân, thành tựu hiện có, mục tiêu và ước mơ, mình không gặp nhiều khó khăn. Để giải thích cho điều này, mình nghĩ do mình hiểu rõ về bản thân, mình là ai và mục tiêu, kế hoạch của bản thân là gì. Mình hoàn thành hồ sơ và nhấn nút gửi trên web sau 8 ngày biết đến thông báo mở đơn. Còn khoảng 3 tuần nữa web mới đóng cổng nộp đơn, nhưng mình không điều chỉnh gì thêm vì mình đã chuẩn bị và làm hết sức rồi.

Trong tháng 10/2023 đó, mình cũng nhân tiện làm luôn hồ sơ cho một chương trình học bổng khác để mở rộng thêm cơ hội, sau này mình cũng đã hái quả ngọt từ quyết định này. Tối ngày 29/11/2023, mình nhận được email thông báo kết quả học bổng. Mình đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi đọc được tên mình trong danh sách đậu học bổng. Cuối cùng mình đã thành công chinh phục học bổng Erasmus+ Mobility.

Sau khi nhận tin vui, mình bắt đầu làm thủ tục giấy tờ hành chính và thủ tục cho visa. Trường hợp của mình là trường hợp đầu tiên chưa có tiền lệ khi mình là sinh viên có khuyết tật đến từ ngoài EU đầu tiên tham gia chương trình Erasmus+ Mobility tại UVA, cũng như là trường hợp đầu tiên có người thân trong gia đình đồng hành là mẹ (vì thông thường họ hay có vợ/chồng hoặc con cái đi cùng). Đối với Đại sứ quán Tây Ban Nha, trường hợp xin visa của Mẹ mình cũng là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ. Do vướng vào gần 3 tuần nghỉ lễ và trục trặc trong hồ sơ visa của mẹ mà mãi đến ngày 28 Tết, mẹ mình mới nhận được visa. Mình vẫn trân trọng khoảng thời gian đó dù mình đã stress khá nhiều vì đã học được cách giao tiếp và đương đầu giải quyết vấn đề. Sau này, khi nói về thời gian hỗ trợ mình và mẹ làm thủ tục visa tại tuần lễ quốc tế trao đổi kinh nghiệm về chương trình trao đổi, thầy Miguel của phòng Quan hệ quốc tế UVA nói: “Thực sự, trường hợp của Phương là một thử thách đối với nhóm chúng tôi.” 

Ngày 11/2/2024, tức mồng 2 Tết, mình có chuyến bay tới Tây Ban Nha. Mình cảm thấy trống rỗng tại khoảnh khắc máy bay cất cánh, nghĩ về nhiều thứ sẽ xảy ra trong 5 tháng học tập tại Valladolid sắp tới. Hai mẹ con đã trải qua 18 tiếng bay và đến Valladolid vào 8 giờ tối thay vì 2 giờ chiều vì chuyến bay bị delay do mưa bão thất thường tại Doha, cộng thêm mất nhiều tiếng chờ hành lý ở sân bay Madrid. Ngẫm lại hành trình của mình trước khi đặt chân đến Valladolid quả có nhiều khó khăn và thử thách. Song, sau cơn mưa trời lại sáng, mình đã vượt qua và chính thức có trải nghiệm học tập tại UVA – ngôi trường mình sẽ không thể nào quên với nhiều kỷ niệm đẹp. 

Mình đã học tập trong môi trường quốc tế đa dạng với những thầy cô TBN siêu thân thiện, quan tâm và các bạn sinh viên quốc tế siêu giỏi đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Các thầy cô Khoa Luật, Phòng Quan hệ quốc tế, thầy Rafa từ Phòng Xã hội của UVA và phía tổ chức ONCE – tổ chức quốc gia TBN dành cho người khiếm thị – luôn quan tâm, đồng hành với mình trong suốt quá trình tham gia chương trình trao đổi, giúp mình thích nghi với cuộc sống mới nhanh hơn và giải quyết các vấn đề phát sinh. 

Tại UVA, thời khóa biểu của mình hầu hết diễn ra vào buổi sáng, với lớp học đầu tiên bắt đầu từ lúc 8 giờ. Mình đã cùng các bạn quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Georgia, Pháp, Đức, Ý, Kazakhstan, Brazil, Albania... cùng nhau học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Mình có cơ hội học hỏi từ các giảng viên với nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, từ thảo luận trong lớp đến nghiên cứu tài liệu và viết luận, giúp mình không chỉ nắm vững kiến thức chuyên ngành mà còn phát triển kỹ năng tư duy phản biện.

Trong suốt quá trình học tập tại UVA, mình đã chủ động liên hệ với các giảng viên để chia sẻ về cách thức học tập và hình thức làm bài kiểm tra phù hợp với mình. Các thầy cô đều rất quan tâm, đặc biệt là thầy Rafa từ phòng Dịch vụ xã hội, người đã nhấn mạnh cụm từ “quyền bình đẳng trong giáo dục” khi thảo luận với mình. Thầy đã đảm bảo rằng các giảng viên khoa Luật cũng sẽ nhận được văn bản hướng dẫn từ phòng của thầy về việc điều chỉnh hợp lý cho trường hợp của mình. Điều này không chỉ giúp mình hòa nhập tốt hơn với môi trường học tập mà còn giúp mình hiểu sâu sắc hơn về quy trình điều phối và cung cấp dịch vụ xã hội đối với sinh viên khuyết tật tại Tây Ban Nha.

Mình không bỏ lỡ bất kỳ một buổi học nào của 5 môn học, đặc biệt mình thích môn Luật cộng đồng quốc tế của cô Carmen và môn Lịch sử pháp lý châu Âu của thầy Alex. Cô Carmen rất hay lấy ví dụ minh họa, cô cũng không ngại giải đáp thắc mắc hay giảng lại nội dung kiến thức khó. Cô lấy ví dụ về các quốc gia nơi chúng mình đến, trong đó có Việt Nam. Có lần chúng mình còn đóng vai là đại diện của các quốc gia ký một hiệp ước quốc tế tên là “Valladolid 2024 về quyền con người”. Hoạt động đóng vai như vậy rất hay và giúp mình hiểu bài học hơn. Thầy Alex luôn tìm cách chuyển đổi định dạng của tài liệu đọc và gửi sẵn luôn cho mình nên mình không cần phải chuyển đổi mặc dù mình có phần mềm OCR được tổ chức ONCE hỗ trợ cung cấp. Thầy cũng gửi nhận xét rất chi tiết về bài về nhà hàng tuần của mình. Trong một buổi học môn So sánh hệ thống chính trị, thầy Oscar có mời một giảng viên khác đến từ Albania chia sẻ về sự tham gia chính trị của người khuyết tật tại khu vực bán đảo Balkan. Mình có thêm hiểu biết và góc nhìn mới về vấn đề của người khuyết tật tại khu vực này.

Một trong những điểm nhấn của chương trình là sự hỗ trợ của tổ chức ONCE – tổ chức dành cho người khiếm thị tại Tây Ban Nha. Mỗi tuần, mình đều có buổi gặp gỡ với chú Antonio – nhân viên của tổ chức ONCE. Chú đã hướng dẫn mình cách sử dụng gậy định hướng, giúp mình tự tin hơn trong việc di chuyển từ phòng học 002 đến phòng 211 tại tầng 2, cũng như các lối ra vào và nhà vệ sinh trong tòa nhà khoa Luật. Việc luyện tập này không chỉ giúp mình nắm vững kỹ năng di chuyển một cách độc lập và an toàn mà còn mang lại cho mình cảm giác tự tin hơn trong môi trường mới.

Ngoài ra, mình cũng tham gia các buổi hòa nhạc và luyện nói tiếng Anh hàng tuần với những người khiếm thị tại ONCE. Dù họ đã ở tuổi trung niên hoặc cao niên, nhưng sự nhiệt tình và thân thiện của mọi người khiến mình không cảm thấy bất kỳ khoảng cách nào. Cô Chuz, người phụ trách giảng dạy tiếng Anh, đã chuẩn bị các tài liệu xoay quanh mình và so sánh giữa văn hóa Việt Nam và Tây Ban Nha. Qua đó, mình không chỉ rèn luyện khả năng tiếng Anh mà còn học thêm nhiều từ vựng tiếng Tây Ban Nha và cảm nhận được tình cảm ấm áp từ những người bạn mới.

Vào những ngày đẹp trời, mình thường cùng mẹ khám phá thành phố, từ không gian xanh mát bên bờ sông Pisuerga, công viên Campo Grande, đến những con đường nhộn nhịp tại quảng trường Plaza Mayor. Những buổi dạo chơi, thăm chợ trời và lắng nghe âm nhạc đường phố không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm sống mà còn giúp mình hiểu sâu hơn về đất nước và con người Tây Ban Nha. Trong 5 tháng sống tại Valladolid, mình đã có cơ hội tham gia các sự kiện cộng đồng cùng với người dân địa phương như lễ rước Phục sinh Semana Santa, lễ hội mùa xuân với điệu nhảy Jota truyền thống, lễ hội đấu bò tót và lễ ăn mừng đội bóng địa phương Real Valladolid giành vé thăng hạng La Liga... 

Những trải nghiệm này cũng giúp mình hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, ẩm thực và truyền thống tôn giáo của người dân Tây Ban Nha và mỗi chuyến đi là mỗi bài học để mình làm giàu thêm vốn sống và mở rộng thế giới quan của mình. Khi đi rồi mình mới nhận ra rằng mình thật nhỏ bé, thế giới ngoài kia thật bao la rộng lớn và còn quá nhiều thứ mình chưa biết. Qua những chuyến đi ý nghĩa, mình đã khoan dung, cởi mở và bình tĩnh hơn. 

Mình rất biết ơn gia đình, thầy cô, bạn bè đã sát cánh, hỗ trợ và giúp mình cụ thể hóa ước mơ. Mình muốn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới Ban Giám hiệu và thầy cô trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, đặc biệt là cô Phương Mai, cô Phương Anh, cô Ngọc Mai và cô Tạ Thảo.... Các cô đã luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ mình từ trước, trong và cả sau khi kết thúc chương trình học bổng. 

Mình cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới chị Bống, chị Na Lin, chị Mai, chị Lily, anh Luân, anh Huy, anh Tý nỵ,… và những người bạn nước ngoài đã hỗ trợ mình và đưa ra những feedback hữu ích. Cảm ơn bạn Ngọc Huế và chị Phương Thảo đã chia sẻ nhiều hơn về trải nghiệm trước đó của mọi người để mình có thêm insight. Cuối cùng, mình muốn gửi lời cảm ơn tới những thành viên trong gia đình và những người bạn đáng yêu của lớp CTXH K18, CLB CTXH, ASOD 11, SUV 10, VSSS 10 đã tin tưởng và gửi gắm những điều tốt đẹp nhất trên con đường chinh phục học bổng của mình. Đó là nguồn động lực to lớn để mình nỗ lực hơn mỗi ngày và là niềm tự hào, niềm hy vọng của mọi người. 

Mình sẽ khép lại hành trình 5 tháng chu du tại Valladolid và trời Âu với học bổng Erasmus+ Mobility ở đây và sẽ mở ra một hành trình mới. Cũng như những người bạn TBN nói với mình khi chia tay, mình tin rằng đây không phải chuyến đi cuối cùng tại EU của mình.

Chương trình Erasmus+ Mobility không chỉ là một cơ hội học tập quốc tế mà còn là một hành trình đầy màu sắc, nơi mình học hỏi được rất nhiều điều từ sự đa dạng, và được hòa mình vào một cộng đồng đầy lòng hiếu khách và nhiệt tình. Những kỹ năng và kiến thức mình thu nhận được sẽ là hành trang quý báu cho tương lai của mình về mặt học thuật và nhiều khía cạnh khác. Mình hy vọng các bạn sinh viên TNUS sẽ chuẩn bị thật tốt cho hồ sơ học bổng bằng việc trau dồi, nâng cao năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha), nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập và tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa để chinh phục thành công học bổng đáng giá này. 

Một số hình ảnh của mình:

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

nổ hũ đổi thưởng social.bet

(MA THỊ PHƯƠNG – CTXH K18)